Trúc Linh – Một Thập kỷ dệt yêu thương

TIN MỪNG THÁNH HIẾN

Trúc Linh – một thập kỷ dệt yêu thương

-TÓC NGẮN

Trúc Xanh Loài Tứ Quý

Linh Ảnh Đấng Tạo Thành

Trúc là một trong tứ quý Mai, Lan, Cúc, Trúc.Nhưng không là hoa như ba loại kia, Trúc là loại cây vươn cao mà người ta quí khi nhìn trọn cả cây

Ngắm nhìn trẻ em cũng thế, có đưa mắt nhìn toàn diện, ta mới khám phá được những giá trị quý báu thực sự của các em. Khi ấy, ta sẽ hân hoan nhận ra rằng, một đứa trẻ còn quý giá hơn cả vũ trụ bao la, bởi nó mang sự sống của Thiên Chúa và được Chúa Giêsu đổ máu ra chuộc lại. Và người ta chỉ có thể giúp trẻ phát triển khi khám phá ra giá trị lớn lao này.

Với  nhận định như thế, chúng ta cùng đến với “Trung tâm Trúc Linh” – một trung tâm “phục hồi sự phát triển và khả năng hòa nhập” cho các trẻ khiếm khuyết.

LOGO CỦA TRUNG TÂM TRÚC LINH

Trước hết, mời bạn nhìn logo với 7 sắc cầu vồng – diễn tả 7 giai đoạn phát triển trí não của Glenn Domain và Viện nghiên cứu về Thành tựu tiềm năng con người.

Trúc Linh ưu tiên chọn phương pháp tiếp cận trí não để giúp bé phát triển. Đối với trẻ em khi chào đời đến khi 6 tuổi,nếu dùng phương pháp “phát triển trí não tác động” sẽ giúp ích cho các bé rất nhiều. Các trẻ được “đồng hành tốt” sẽ có những hiểu biết về cuộc sống chung quanh, ý thức về nhân phẩm, tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác.

         Khẩu hiệu “Lớn lên trong Sự Thật và Tình Yêu” trong logo cũng nhắc mọi người ghi nhớ nguyên tắc ứng xử quan trọng này vời nhau va đối với các bé

HÌNH THÀNH TRUNG TÂM TRÚC LINH

         Đầu năm 2008, nữ tu Maria Thu Huyền – Cử nhân Sư phạm Trị Liệu Fribourg, Thụy Sỹ – được bề trên cho về Trường Mầm Non 6 làm việc. Nhưng tại thời điểm đó, người ta không còn cho phép các nữ tu làm công tác diều hành mà chỉ dành cho các đảng viên. Nhà Dòng coi như không còn một cơ sở nào để phục vụ các trẻ tổn thương não (tên gọi chung cho tất cả các trẻ đặc biệt kể trên)

         Vì thế, với lời đề nghị của một nữ tu và cô Irène (một cộng tác viên), sơ Huyền đã được phép mượn căn nhà 294/6 Xô Viết Nghệ Tĩnh  để làm việc với các bé này nhưng ở giai đoạn rất sớm (6 tháng tuổi đến 6 tuổi) gọi là chương trình Can Thiệp Sớm

 

         Đây không phải là một sứ vụ mới hay hoàn toàn xa lạ với mục vụ Dòng Thánh Phaolô thành Chartres (SPC), mà chỉ là tiếp nối công việc các nữ tu đã đi trước, đó là chăm sóc các bé khuyết tật về tinh thần, thể lý… Chỉ khác một điều là lúc trước các nữ tu phục vụ trẻ mồ côi và khuyết tật: bây giờ đối tượng đó đã thuộc về nhà nước (Sở LĐTB và XH) vì nhà nước đã tiếp quản nhân sự lẫn cơ sở. Với tấm lòng yêu thương dành cho trẻ khiếm khuyết, sơ Huyền tìm đến các trẻ khác là những trẻ khuyết tật có cha mẹ

         Nhà Dòng chỉ gợi ý mà không ép buộc, còn nữ tu Huyền thì bắt tay vào công việc với ý nghĩ “làm thử xem sao” , rồi với thời gian, mọi sự diễn tiến như thế nào thì tùy theo ý Chúa…

         Vào ngày 8 tháng 9 năm 2008 – ngày mừng sinh nhật Đức Mẹ, tại căn nhà ờ bình thường (5x14m) được các nữ tu mướn lại,

trong con hẻm chật hẹp không có chỗ để xe, sơ Huyền bắt đầu nhận 3 trẻ, không những trẻ chậm phát triển mà còn cả trẻ tự kỷ (2 trẻ tự kỷ, 1 bại não). Con số tăng dần thành 5, rồi 10 bé, học bán trú mỗi ngày.

        Tháng 3 năm 2009, có 12 bé bán trú, chia thành 2 lớp.

        Từ tháng 6 năm 2009, chương trình “can thiệp cá nhân” chính thức bắt đầu. Các bé tự kỷ cần sự “can thiệp cá nhân” trước, để khi bé đã ổn định tâm lý rồi mới có thể vào học chung với các bạn ở các trường phổ thông.

        Vào tháng 6 năm 2012, có 3 lớp bán trú với tổng số 30 bé và số bé được “can thiệp cá nhân” tổng cộng 30 giờ/ngày. Nhưng sau đó nhu cầu “can thiệp cá nhân” gia tăng, mà mặt bằng lại nhỏ hẹp, nên đã tạm ngưng nhận bán trú để có thể “can thiệp sớm” cho nhiều bé hơn.

        Từ năm 2012 đến 2017: mở các lớp tập huấn cho phụ huynh, giúp họ hiểu biết dạng tật con em mình và cánh thức can thiệp cho bé tại gia đình để hợp tác với Trường.

        Từ 2014 đến 2017: chỉ còn hình thức “can thiệp cá nhân”; có khi đạt cao điểm 60 bé một ngày (mỗi bé chỉ học 1-2 giờ/ ngày:.Vì thế, việc đào tạo nhân sự và bồi dưỡng chuyên môn cho các giáo viên là vấn đề trọng yếu.

        Từ tháng 9 năm 2017 cho đến nay, Trúc Linh mở thêm 2 lớp “can thiệp nhóm” theo buổi (sáng một lớp, chiều một lớp) giúp các bé đã “can thiệp cá nhân” tốt được học đủ các kỹ năng để sẵn sàng vào học lớp Một. Có đủ hai hình thức này, các bé sẽ tiến bộ rõ rệt, vững chắc đến mức kinh ngạc.

MỪNG 10 NĂM THÀNH LẬP TRÚC LINH

        Mười năm qua đi, với từng bước nhẫn nại dệt yêu thương cho các trẻ em chậm phát triển, trong số đó nhiều nhất là tự kỷ và chậm nói. Trung Tâm đã đón nhận nhiều trái ngọt: Trong số 534 trẻ đến khám ban đầu, đã có trên 400 trẻ theo học được các lớp phổ thông; hơn 300 trẻ ra trường lúc 6 tuổi; trên 100 trẻ vào các lớp học từ lớp Một đến lớp Chín phổ thông. Gần 300 phụ huynh đã được tập huấn và 40 giáo viên đã được đào tạo để đồng hành cùng trẻ.

        Trong ngày mừng 10 năm thành lập Trúc Linh , nhìn các trẻ trình diễn văn nghệ, múa hát hồn nhiên, vô tư, biết đọc những câu vè ngắn gọn, dễ hiểu, trong cuốn “24 Đức Tính Tốt” do Sơ Huyền viết cho các em, người ta có thể cảm nhận được biết bao giọt mồ hôi đã đổ xuống để giúp trẻ khiếm khuyết hòa nhập vào xã hội.

         Số trẻ tìm đến ngày càng đông, mà căn nhà không thể lớn hơn, nên có cả một danh sách “chờ được học”. Nhiều trẻ đến lúc ra trường, phụ huynh muốn cho con học thêm cũng đành chịu vì phải nhường cho các trẻ đang cần được giúp đỡ nhiều hơn. Sơ phụ trách nói:10 năm là ân huệ của Chúa ban, nếu Chúa muốn có chỗ rộng rãi hơn thì Ngài sẽ ban cho.

NHỮNG TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ

         Nhiều phụ huynh rất vui khi con được học tại Trúc Linh . Phụ huynh của bé Tuấn cho biết bé 3 tuổi mà chưa biết nói. Đến với Trúc Linh chưa đầy một năm đã nói tốt. Năm nay 12 tuổi, cháu học phổ thông từ lớp Một đến lớp Bảy đều được hạng Giỏi

         Mẹ bé Vy ở Bình Tân thì nhờ biết tìm hiểu, khi thấy con chỉ chơi một nình, nói nhảm, không tiếp xúc với người ta, biết con bị tự kỷ , đã đưa con vào Trúc Linh lúc gần 3 tuổi; năm nay cháu ra trường vào lớp Một phổ thông.

         Sơ Huyền chia sẻ:

        “Có một bé trai tự kỷ đến từ Đak Nông, do lời giới thiệu của một người bạn. Ba mẹ bé kể rằng, bé thường xuyên quấy khóc cả ngày lẫn đêm, nhất là về đêm.Ba mẹ bé phải thay phiên nhau ẵm bé chạy vòng quanh xóm để dỗ bé nhiều ngày, nhiều tháng như vậy. Người ta bảo rằng dưới nền nhà có cốt của người nào đó, phải đào lên bé mới hết khóc. Ba mẹ đã làm theo, nhưng được chừng 6 tháng, bé lại khóc trở lại. Rồi gia đình đi hỏi và biết còn cốt khác bên dưới nhà. Gia đình làm đến 3 lần nhưng cuối cùng bé vẫn khóc và quấy suốt như vậy.

        “Khi đưa bé đến Trúc Linh, bé cũng còn hay khóc và khó chịu, nhưng sau khi được can thiệp chừng hai tuần sau bé đã ăn được, ngủ được và dần ổn định. Người mẹ vui mừng đến nói với tôi

         “Cám ơn Sơ nhiều, hôm nay bé nhà con ngủ được rồi! Con tưởng có lúc phát điên lên được vì ban ngày đi làm việc: ban đêm phải thức trắng vì né khóc quấy suốt đêm; thần kinh con căng thẳng quá sức.

        “Trường hợp này cũng gặp nơi bé gái tự kỷ khác tại quận 4. Khi đến với chúng tôi, người mẹ cũng rất khổ sở vì những rối loạn của bé. Sau ít tháng can thiệp, bà rất mừng rỡ vì bé đã ngủ được, ăn được. Sau đó bé học được rất khá, nói được và đã vào học cho đến lớp 5 phổ thông.

        “Có lần tôi nhận được điện thoại của bà mẹ báo tin với một giọng điệu vui mừng rối rít:

        “Sơ ơi con của con vào được lớp Một rồi; con mừng quá và không biết phải diễn tả như thế nào, chỉ biết gọi diện báo tin cho Sơ thôi.

        Lần khác tôi nhận được lời nhắn:

       – Cảm ơn Sơ đã cho con của con một cuộc sống mới.

       “Trong dịp mừng 10 năm thành lập vừa rồi, khi liên lạc với các phụ huynh cũ, tôi nhận biết bao tin vui bất ngờ vì nhiều bé đã có thể theo học tới lớp Tám, lớp Chín phồ thông vá cha mẹ kể về con của mình với niềm vui và tự hào đến tuyệt vời.

       “Câu chuyện chia sẻ của chị Hà Thanh có 2 đứa con trai: một chậm phát triển, một tự kỷ đều được can thiệp tại Trúc Linh là một điển hình gây xúc động cho rất nhiều người hiện diện trong buổi lễ mừng 10 năm. Tôi rất khâm phục nghị lực của người mẹ này nên đã đề nghị chị lên chia sẻ cho mọi người. 

       “Năm học này, Hoàng Danh (chậm phát triển) đã lên lớp Tám và Thiên Phú (tự kỷ) vào học lớp Bốn. Cả hai đều rất ngoan, Hoàng Danh nói chuyện huyên thuyên với tôi tuy còn nhiều từ chưa rõ lắm. Còn Thiên Phú, nghe mẹ nói là học rất giỏi, ngoan ngoãn và rất hiểu chuyện. Em biết nghe lời mẹ và giúp đỡ anh mình.

                                         

       “Trong tâm trí tôi vẫn còn đó hình ảnh của một bé Danh 5 tuổi ngày nào đứng “tập chéo” , trán tươm mồ hôi, chỉ nói được vài từ rất vất vả.Còn bé Phú 3 tuổi quấy khóc , ăn vạ đến khó chịu, cô nào thấy cũng ngán luôn. Thế mà khi rời Trúc Linh, Phú lại ngoan ngoãn, đọc chữ, làm toán rất giỏi và thật lễ phép. Tôi đã ngỡ ngàng nhìn em thay đổi cách kỳ diệu.

       “Còn rất nhiều những câu chuyện khác không thể kể hết, vì mỗi đứa trẻ là một thế giới tuyệt vời. Tôi chỉ thấy may mắn được làm công việc này và mỗi ngày làm việc của tôi là một cuộc khám phá đầy thú vị.

THAY LỜI KẾT

       Từ lời chia sẻ của sơ phụ trách, người ta có thể cảm thấy biết bao tâm huyết mà sơ dành cho trẻ. Mong sao Trúc Linh có được chỗ khang trang đủ rộng để đón nhận tất cả trẻ bị khiếm khuyết, giúp các em hòa nhập và làm cho xã hội ngày càng phát triển hơn.

 

Bài Trích từ Tập san Nhịp Sống Tin Mừng, số 23, tháng 11/2018

Ban Truyền Thông Tổng Giáo Phận TP.HCM

(Trúc Linh chỉ thay thế hình ảnh để phù hợp với nội dung)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Translate »